Trên bức tranh trăm năm tuổi của Leonardo da Vinci, người ta phát hiện ra cả một thế giới tí hon độc đáo. Thậm chí, quần thể vi sinh vật này còn có thể trở thành công cụ đắc lực cho những khám phá tương lai.
Leonardo da Vinci nổi tiếng với những tác phẩm phức tạp, giàu sắc thái và được tô điểm bởi những kỹ thuật tạo tác tiên tiến. Thế nhưng hơn 500 năm sau ngày ông mất, người nghệ sĩ lỗi lạc này vẫn khiến hậu thế ngạc nhiên: nghiên cứu mới vừa cho thấy ẩn giấu trên tranh của Leonardo cả một thế giới nhỏ chứa đầy những dạng sống tí hon.
Theo lời các nhà nghiên cứu, khám phá mới có tiềm năng giúp chuyên gia xây dựng một danh mục riêng cho vi sinh vật có trong các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm đều có một “bộ sưu tập” vi khuẩn độc đáo trên bề mặt, vậy nên ta hoàn toàn có thể phân loại các tác phẩm thông qua sự hiện diện của những sinh vật tí hon.
Vi khuẩn trên tranh còn đủ khác biệt, đủ đặc biệt để các nhà nghiên cứu phát hiện ra tranh giả, hay thậm chí những tác phẩm thật được lưu giữ trong những điều kiện khác nhau suốt nhiều thế kỷ từ khi chúng ra đời. Tác phẩm được nghiên cứu, bức Uomo della Bitta của Leonardo da Vinci, chứa những quần thể vi sinh vật có nhiều điểm khác biệt độc đáo; tranh chứa rất nhiều vi khuẩn và ADN của con người – nhiều khả năng có được sau hàng thập kỷ người sưu tập, người chăm sóc tranh chuyền tay nhau bức họa.
Những vi khuẩn có khả năng làm giấy xuống cấp cũng hiện hữu trong tác phẩm, chúng chính là lý do tại sao công việc của các chuyên gia chăm sóc tranh lại quan trọng đến vậy. Nghiên cứu mới còn là cơ sở để khoa học tin rằng các quần thể sinh vật tí hon có trên tác phẩm nghệ thuật có thể cho chúng ta biết về quá khứ mà bức tranh đã trải qua, bên cạnh đó là tác dụng giúp chuyên gia phân biệt thật giả.
Nghiên cứu vật chất, cả những thứ còn đang sống và đã chết, trên 7 bức tranh của Leonardo, các nhà khoa học tìm thấy một tổ hợp đa dạng của vi khuẩn, nấm và ADN của người. Đa số vật chất bám vào tranh sau khi Leonardo mất từ 501 năm trước, nhiều khả năng phần lớn ADN trên tranh thuộc về hậu thế. Tuy nhiên, những vật chất sinh học trên tranh vẫn mang theo câu chuyện của riêng mình.
Theo lời nhóm các nhà khoa học, ngạc nhiên lớn nhất là số lượng vi khuẩn và nấm có trong tranh. Những nghiên cứu trước đây cho thấy nấm mới là sinh vật chiếm ưu thế trong quần thể vi sinh vật, thế nhưng lần này, vi khuẩn từ người và côn trùng (có lẽ là ruồi đậu trên tranh và đã “phóng uế” tại chỗ) cũng hiện diện với số lượng lớn.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia sử dụng công cụ được phát triển và hoàn thiện gần đây có tên Nanopore, một cơ chế xác định trình tự gen có thể nhanh chóng phân tích vật chất di truyền, từ đó tìm hiểu cặn kẽ bất cứ vật chất sinh học nào có trên tranh. Họ nhận định rằng phương pháp mới có thể làm sáng tỏ những bí ẩn chúng ta chưa hề biết, ngay cả khi tác phẩm nghệ thuật đã được khoa học nghiên cứu suốt nhiều năm nay.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Microbiology.
Nguồn: LiveScience