Hai quỹ đầu tư SoftBank Vision Fund (Nhật Bản) và GIC Pte (Singapore) đang xem xét đầu tư một ngân khoản 300 triệu USD vào Cty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay). Nếu khoản đầu tư này thành công, giá trị doanh nghiệp VNPay có thể cán mốc 1 tỉ USD, trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp “kì lân” thứ hai tại Việt Nam, sau VNG.
Doanh nghiệp “kì lân” là gì mà khó đạt?
Có hai khái niệm về qui mô doanh nghiệp khởi nghiệp thường được nhắc tới đó là: Kì lân (Unicorn) và Siêu kì lân (Super Unicorn).
Unicorn trên thế giới khá nhiều, tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên nhớ rằng, khái niệm “kì lân” chỉ để gọi doanh nghiệp còn trong giai đoạn khởi nghiệp.
Cách đây 5 năm, vào năm 2014, tổ chức World Startup Report đã định giá 1 tỉ USD đối với Cty CP VNG, và trở thành “kì lân” đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó tới nay, chưa có doanh nghiệp nào tiếp theo.
Trong khi đó, ở trong khu vực Đông Nam Á, ngoài VNG, các “kì lân” được gọi tên chính là Grab (nhà sáng lập người Malaysia nhưng trụ sở chính tại Singapore, định giá 14 tỉ USD), Go-Jek (Indonesia, định giá 10 tỉ USD, hậu thuẫn cho Go-Viet tại Việt Nam), Tokopedia (Indonesia, định giá 7 tỉ USD), Traveloka (Indonesia, 2 tỉ USD), Sea…
Tuy nhiên trong những cái tên trên, chỉ mới có Grab và Go-Jek được gọi là “siêu kì lân” vì được định giá trị từ 10 tỉ USD trở lên. VNG sau 5 năm trở thành “kì lân” giá trị doanh nghiệp cũng tăng đến hơn 50%, nay được định giá khoảng từ 1,5-1,7 tỉ USD song so với trong khu vực vẫn còn khá khiếm tốn.
Indonesia vẫn là quốc gia có nhiều “kì lân” nhất. Lợi thế lớn để quốc gia này sản sinh ra nhiều “kì lân” so với các quốc gia trong cùng khu vực chính là dân số đông hơn 250 triệu người tạo đòn bẩy người dùng giúp các start-up nói chung nhanh nâng cao giá trị, điều mà chúng ta thấy khá phổ biến tại thị trường 1,4 tỉ dân là Trung Quốc.
VNPay – “kì lân” thứ hai gắn với công nghệ?
VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối. VNPay là doanh nghiệp chuyên về thanh toán trực tuyến, ngày nay được gọi là Fintech – công nghệ tài chính, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên nền tảng công nghệ kết nối cổng thanh toán.
Từ năm 2017 tới nay, làn sóng đầu tư vào Fintech đang trỗi lên mạnh mẽ tại Việt Nam. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê của Topical, từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2018, 92 thương vụ nhận đầu tư diễn ra với tổng giá trị 890 triệu USD. Trong đó, chỉ riêng 8 thương vụ đầu tư vào Fintech đã chiếm tới 117 triệu USD giá trị.
Tuy nhiên, thống kê trên chỉ tính khoảng đầu tư vào ví điện tử MoMo là 50 triệu USD trong khi theo một nguồn tin, thực tế khoản đầu tư vào MoMo năm 2018 được chốt lên đến khoảng 150 triệu USD.
Nếu khoản đầu tư 300 triệu USD – 200 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và 100 triệu USD từ GIC Pte, được chốt xong trong năm 2019, thì năm nay tiếp tục ghi nhận kỉ lục đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính.
VNG được thành lập năm 2004, còn VNPay được thành lập năm 2007. Nếu tính từ mốc thành lập doanh nghiệp 2004, trong vòng 15 năm qua Việt Nam mới chỉ có 1 “kì lân” là VNG và hi vọng “kì lân” tiếp theo xuất hiện trong năm nay sẽ là VNPay. Còn nếu tính theo mốc thời điểm xuất hiện “kì lân”, thì khoảng thời gian có thể là 5 năm giữa hai lần xuất hiện của “kì lân” tại Việt Nam.